Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với lực lượng Quản lý thị trường và UBND các tỉnh/thành phố
Báo cáo tình hình hoạt động của lực lượng trong 8 tháng năm 2024, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, tình hình vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào các thời điểm lễ, tết, kỳ nghỉ dài ngày do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm trở nên sôi động.
Toàn cảnh Hội nghị
Không những vậy, theo Tổng Cục trưởng, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ nội địa. Vi phạm chủ yếu phát hiện đối với nhóm hàng có nhu cầu cao, như: thời trang, mỹ phẩm, thiết bị điện, thực phẩm. Đáng chú ý, vào dịp chuẩn bị cho Tết Trung thu năm nay, một số tổ chức, cá nhân đã tập trung đưa nhiều hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ là các loại thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em, đặc biệt là bánh trung thu ra thị trường tiêu thụ, gây ảnh hưởng sức khỏe của người sử dụng.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh báo cáo tình hình, kết quả công tác QLTT 08 tháng 2024 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới.
Những tháng đầu năm, tỷ trọng các vụ việc vi phạm đối với thuốc lá điếu giảm so với vi phạm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với các hành vi vi phạm chủ yếu như: nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng. Các tỉnh, thành phố đang là điểm nóng về vi phạm đối với mặt hàng này như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Long An, Khánh Hoà, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh thay vì trước đây các đối tượng tự vận chuyển, thuê người vận chuyển thì nay được trà trộn trong các kiện hàng và gửi qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán nên rất khó phát hiện.
Cũng theo Tổng Cục trưởng, thời gian qua, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT không bày bán tràn lan như trước đây mà sau khi qua biên giới được tập kết tại các kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng, rồi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh; hàng hóa được chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Đáng chú ý, trong lĩnh vực thương mại điện tử: đa số các thương nhân xây dựng nhiều kho hàng gần cửa khẩu và thiết lập các điểm livestream chốt đơn ở các tỉnh, thành phố, giao hàng thông qua đơn vị chuyển phát. Các tài khoản chào hàng trung gian, địa điểm tiếp nhận đơn và chuyển hàng được bố trí ở nhiều địa điểm khác nhau. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ký gửi hàng hoá và sử dụng những người nổi tiếng, nhiều lượt theo dõi trên trang cá nhân để livestream, chốt đơn hàng. Do tốc độ lưu chuyển hàng hoá nhanh nên số lượng, chủng loại hàng hoá tại các kho tương đối lớn và thường xuyên biến động.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, lực lượng QLTT tập trung giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực này và phát hiện nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước. Cụ thể, tính từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT đã kiểm tra 50.445 vụ, phát hiện, xử lý 35.510 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử lý là 674 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 342 tỷ đồng (tăng 20%), trị giá hàng hóa tịch thu gần 148 tỷ đồng (tăng 6%), trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy trên 184 tỷ đồng (tăng 86%). Đã thu nộp ngân sách nhà nước 395 tỷ đồng (tăng 11%).
Trong 8 tháng đầu năm lực lượng QLTT đã chuyển Cơ quan điều tra 118 vụ có dấu hiệu hình sự (giảm 9% so với cùng kỳ năm 2023); một số đơn vị có số vụ chuyển cơ quan điều tra nhiều: Hà Nội (39 vụ), TP. Hồ Chí Minh (8 vụ), An Giang (7 vụ), Bình Dương (6 vụ), Vĩnh Phúc (5 vụ), Quảng Ninh (5 vụ). Đồng thời, đã khởi tố 8 vụ án: Hà Nam (1), Long An (2), Bắc Ninh (1), Vĩnh Long (1), Hà Nội (1), Vĩnh Phúc (1), Bến Tre (1).
Buổi làm việc cũng ghi nhận các ý kiến phát biểu của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương và đại diện lãnh đạo 63 tỉnh/thành phố trên cả nước. Các ý kiến đều tập trung nêu bật được những khó khăn, vướng mắc trong cuộc chiến chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền SHTT, đồng thời đề ra các giải pháp cụ thể nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp chân chính. Các ý kiến đại biểu cũng đánh giá cao, quyết tâm, nỗ lực của lực lượng QLTT trong vai trò lực lượng chủ công trên mặt trận kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Tập trung vào 9 nhiệm vụ trọng tâm
Đánh giá cao những kết quả mà lực lượng QLTT làm được, đạt được trong 8 tháng năm 2024, Bộ trưởng trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng trong 8 tháng qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia và sự chỉ đạo, điều hành sát sao của BCSĐ, Lãnh đạo Bộ và cấp ủy, chính quyền các địa phương, lực lượng QLTT đã có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ và đã đạt được những kết quả. Nổi bật là:
(1) Đã chú trọng triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện khá nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương; nhất là, các chủ trương, chính sách, chỉ đạo có liên quan đến hoạt động của Ngành.
Tích cực, chủ động tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong hoạt động của Lực lượng (như các đề án, công điện, chỉ thị và văn bản chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường: (i) Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; (ii) Kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; (iii) Kinh doanh mặt hàng vàng; (iv) Đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc trên môi trường thương mại điện tử; (v) Thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu…),… góp phần bảo vệ và thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước.
(2) Đã triển khai khá tốt nhiều đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, thanh tra chuyên ngành đấu tranh với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, góp phần lành mạnh hóa thị trường trong nước (thể hiện rõ qua đã phát hiện, xử lý được nhiều vụ vi phạm lớn với tổng số tiền xử lý gần 700 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước).
Đặc biệt một số lĩnh vực nổi cộm, có diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã được quan tâm chỉ đạo, xử lý, như: (i) Lĩnh vực thương mại điện tử, số vụ xử lý tăng 2,4 lần và số tiền xử phạt tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023, một số vụ việc đã chuyển cơ quan điều tra; (ii) Lĩnh vực kinh doanh mặt hàng vàng, lực lượng QLTT đã đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý trên 550 vụ vi phạm, xử phạt hành chính trên 15 tỷ đồng, góp phần thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng.
(3) Công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác QLTT và sự phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn (như Sở Công Thương, Công an, Quân sự, Biên phòng, Hải quan, Thuế…) trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả… có sự chuyển biến tích cực.
Nhiều vấn đề, vụ việc phức tạp đã được xử lý khá tốt, từ đó củng cố được niềm tin của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đối với lực lượng QLTT, góp phần lành mạnh hóa thị trường, tạo môi trường bình đẳng trong SXKD.
[Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao 9 nhiệm vụ cho lực lượng Quản lý thị trường]
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao các kết quả đạt được của lực lượng QLTT trong 8 tháng năm 2024
(4) Kỷ cương hành chính, nề nếp công tác (từ Tổng cục đến các đơn vị cơ sở) đã được chấn chỉnh và có chuyển biến khá tích cực. Công tác cán bộ trong toàn lực lượng được kiện toàn đồng bộ; đặc biệt Tổng cục đã thực hiện khá tốt chủ trương bổ nhiệm người đứng đầu đơn vị không phải là người địa phương và đang triển khai nghiêm túc quy định về luân chuyển, điều động công chức các cấp…
(5) Công tác thông tin truyền thông, giáo dục pháp luật của Tổng cục và các đơn vị trực thuộc được đẩy mạnh thực hiện và có nhiều chuyển biến rõ nét.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng trong 8 tháng qua, lực lượng QLTT vẫn còn những vấn đề tồn tại cần tiếp tục khắc phục, như: Hiệu quả công tác QLTT, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn; tình trạng hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, có hệ thống; tình hình kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên không gian mạng vẫn còn phổ biến; số vụ xử lý đã tăng so với năm trước nhưng vẫn chưa tương xứng với quy mô của thương mại điện tử nước ta hiện nay.
Ngoài ra, với vai trò là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 địa phương (56/63 địa phương), một số Cục chưa thực sự làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Vẫn còn công chức vi phạm kỷ luật hành chính và vi phạm pháp luật.
Tư lệnh ngành Công Thương thẳng thắn chỉ ra các nguyên nhân chủ quan đó là công tác quản lý, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cả về chính trị tư tưởng, chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức công vụ cho công chức trong lực lượng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra; việc xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân tại một số đơn vị chưa đủ sức răn đe; vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, tập thể lãnh đạo nhiều đơn vị chưa được phát huy; tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu một số đơn vị chưa cao; kỷ cương hành chính, nề nếp làm việc tại một số đơn vị không nghiêm; chất lượng cán bộ quản lý ở nhiều đơn vị chưa đạt yêu cầu đề ra.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Thời gian tới, tình hình KTXH nói chung và nhiệm vụ của ngành Công Thương nói riêng dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế mở cung với tốc độ gia tăng cao của thương mại điện tử (nhất là TMĐT xuyên biên giới) sẽ ngày càng đặt ra cho công tác QLTT nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp hơn. Tình hình sản xuất của các doanh nghiệp nhìn chung còn khó khăn (do tổng cầu phục hồi chậm và chi phí sản xuất gia tăng) sẽ dẫn tới hệ lụy là tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng bùng phát và ngày càng tinh vi hơn. Kinh tế nước ta ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, với việc tham gia ngày càng nhiều các Hiệp định thương mại sẽ mang lại nhiều thời cơ, thuận lợi cho hoạt động ngoại thương nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề khó khăn, thách thức về quản lý hàng hóa nhập khẩu, nhất là hàng tạm nhập, tái xuất.
Từ bối cảnh trên, mục tiêu chung của công tác QLTT thời gian tới là tập trung đấu tranh, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phấn đấu tạo môi trường SXKD lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất trong nước.
Đặc biệt, Bộ trưởng ghi nhận, trong 8 tháng đầu năm 2024, lực lượng QLTT cả nước đã triển khai nhiều đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, thanh tra chuyên ngành có trọng tâm trọng điểm, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm nhất là trong các đợt cao điểm Tết và các ngày lễ lớn trong năm).
Trong 8 tháng đầu năm 2024, lực lượng QLTT đã làm tốt công tác quản lý địa bàn, tăng cường công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật… Số vụ vi phạm giảm, nhưng đã tập trung kiểm tra, xử lý được nhiều vụ vi phạm lớn, tổng số tiền xử lý là 674 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023).
Một số lĩnh vực nổi cộm, có diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã được quan tâm chỉ đạo như lĩnh vực thương mại điện tử, số vụ xử lý tăng 2,4 lần và số tiền xử phạt tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023, một số vụ việc đã chuyển cơ quan điều tra. Đối với mặt hàng vàng, trong bối cảnh giá vàng trong nước có nhiều biến động, lực lượng QLTT đã đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý 551 vụ vi phạm, xử phạt hành chính trên 15 tỷ đồng, hàng hóa tịch thu trị giá 23 tỷ đồng, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ trong việc QLTT vàng.
Để thực hiện tốt mục tiêu trên và kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém thời gian qua, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, tôi đề nghị lãnh đạo, công chức, người lao động... trong toàn Lực lượng QLTT tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương tại các văn bản quy phạm pháp luật, Chỉ thị, Công điện, văn bản chỉ đạo, điều hành và khuyến nghị của các Bộ ngành hữu quan để triển khai thực hiện đầy đủ, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn góp phần nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Đồng thời qua thực tiễn quản lý thực thi công vụ, Tổng cục và các đơn vị cần tích cực hơn trong việc tham mưu cho Chính phủ, các Bộ Ngành để ban hành hăọc sửa đổi bổ sung các quy định, các cơ chế chính sách đảm bảo đồng bộ khả thi.
Hai là, tập trung đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả theo tuyến, theo địa bàn nhất là dịp cao điểm cuối năm. Cụ thể, đối với Cục QLTT tại tuyến biên giới phía Bắc tập trung xử lý các mặt hàng pháo nổ, thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, hàng thời trang, thực phẩm, mỹ phẩm, gia súc, gia cầm; Cục QLTT tại tuyến biên giới Miền Trung - Tây Nguyên tập trung xử lý các mặt hàng đường cát, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng; Cục QLTT tại tuyến biên giới Tây Nam tập trung xử lý các mặt hàng vàng, thuốc lá điếu, đường cát, xăng dầu, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, quần áo đã qua sử dụng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; Cục QLTT các tỉnh trong nội địa tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán sầm uất, các cơ sở sản xuất; chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.
Đồng thời, tăng cường phối hợp với các lượng trong đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại TMĐT. Đặc biệt thực hiện nghiêm Nghị quyết của Ủy ban Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề Thương mại điện tử và các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương trong lĩnh vực Thương mại điện tử, như Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử như Đề án chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến năm 2025 theo Quyết định 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ...
Ba là, tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành, ý thức chấp hành pháp luật của công chức trong toàn lực lượng. Xây dựng hoàn thiện quy trình xử lý vụ việc. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ; nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu đơn vị; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm, nhất là đối với hành vi bảo kê, tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ; Tổng cục cần có quy định xử lý nghiêm tập thể, lãnh đạo và người đứng đầu trực tiếp các cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm pháp luật; đặc biệt, đối với các trường hợp để xảy ra vi phạm nhiều lần, mức độ sai phạm nghiêm trọng.
Bốn là, chú trọng làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền từng cấp trong lãnh đạo chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho lực lương QLTT hoạt động hiệu quả. Đồng thời, khẩn trương xây dựng, rà soát, hoàn thiện các quy chế phát luật.
Năm là, từng đơn vị trong lực lượng QLTT chủ động rà soát, xử lý kịp thời, dứt điểm các vấn đề, vụ việc phức tạp, nổi cộm trong đơn vị để xử lý kịp thời dứt điểm theo nguyên tác điều lệ Đảng và quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn. Chăm lo tốt hơn công tác cán bộ nhất là khâu giáo dục, rèn luyện, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí sử dụng; luân chuyển cán bộ bảo đảm khách quan, công tâm, hạn chế tiêu cực. Làm tốt công tác khen thưởng và thực hiện chính sách với cán bộ...
Sáu là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên tất cả các kênh tạo sự thống nhất trong nhận thức, đồng thuận trong hành động và sự chia sẻ ủng hộ của xã hội đối với hoạt động của ngành. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong mọi hoạt động để tạo chuyển biến mạnh mẽ.
Bảy là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, phục vụ công tác QLTT, có cơ chế chia sẻ thông tin giữa các đơn vị, ví dụ: giữa QLTT với thuế, hải quan...
Tám là, tập trung đào tạo, đào tạo lại với cán bộ về mặt nghiệp vụ, nhất là nghiệp vụ sử dụng công nghệ thông tin và khả năng đấu tranh với vi phạm trên thương mại điện tử. Xây dựng bộ giáo trình, sử dụng chuyên gia, tuyển dụng mới để bù đắp lực lượng thiếu hụt do nghỉ hưu, chuyển công tác...
Chín là, tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng và đề cao tính tiên phong gương mẫu của người đứng đầu. Tiếp tục thực hiện cơ chế xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm của tổ chức cá nhân thuộc phạm vi phụ trách của mình.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Cục trưởng Cục QLTT thành phố Hà Nội Chu Xuân Kiên phát biểu tham luận
Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đình Hưng
Đ/c Nguyễn Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia phát biểu tham luận