Những điểm mới trong việc mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản công

Ngày 15/9/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Nghị định này đã điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt liên quan đến việc mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản công nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

1. Mua sắm tài sản công theo quy định mới

- Thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp phải lập dự án được thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật liên quan.

- Đối với trường hợp không thuộc phạm vi quy định trên, thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công thuộc về Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, hoặc cơ quan trung ương khác trong phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương. Ở cấp địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ cho hoạt động của các cơ quan nhà nước thuộc phạm vi địa phương quản lý.

- Căn cứ vào dự toán ngân sách và nguồn kinh phí được giao, cơ quan nhà nước sẽ tổ chức thực hiện việc mua sắm tài sản theo các quy định của pháp luật về đấu thầu. Việc mua sắm theo phương thức tập trung cũng được quy định cụ thể trong Chương VI Nghị định, đảm bảo minh bạch, hiệu quả và phù hợp với các quy trình đấu thầu hiện hành.

- Việc mua sắm tài sản quy định trên không bao gồm mua sắm dịch vụ phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước. Việc mua sắm dịch vụ phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan

2. Bổ sung quy định về mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công là vật tiêu hao

- Quy định chi tiết về mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản công là vật tiêu hao trong các cơ quan nhà nước. Vật tiêu hao được hiểu là các loại nguyên nhiên liệu, thuốc, sinh phẩm, vật tư, văn phòng phẩm và các vật liệu khác mà khi đã sử dụng một lần sẽ mất đi hoặc không giữ nguyên được hình dáng, tính chất và công dụng ban đầu.

- Thẩm quyền quyết định mua sắm vật tiêu hao được quy định tương tự như đối với tài sản công.

- Việc mua sắm vật tiêu hao cũng phải tuân theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Đối với những vật tiêu hao bị mất đi hoàn toàn sau quá trình sử dụng, các cơ quan nhà nước không cần thực hiện việc xử lý thêm. Tuy nhiên, với các vật tiêu hao không bị mất đi hoàn toàn sau quá trình sử dụng, cơ quan nhà nước phải tiến hành hủy bỏ khi chúng hết hạn sử dụng hoặc không còn giá trị sử dụng.

3. Thuê tài sản phải dựa vào dự toán và nguồn kinh phí được giao

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quy định thẩm quyền quyết định thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương. Tương tự, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quy định thẩm quyền thuê tài sản cho các cơ quan nhà nước thuộc quyền quản lý địa phương.

- Việc thuê tài sản phải dựa trên phạm vi dự toán ngân sách và nguồn kinh phí được giao. Quy trình thuê tài sản cũng phải tuân thủ đầy đủ các quy định về đấu thầu, đảm bảo tính minh bạch và cạnh tranh. Quy định này không áp dụng cho việc thuê các dịch vụ công nghệ thông tin hay các dịch vụ khác phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước. Đối với các loại dịch vụ này, việc thuê phải tuân theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan.

 4. Quy định về hóa đơn điện tử bán tài sản công và mẫu hóa đơn bán tài sản

- Nghị định số 114/2024/NĐ-CP bãi bỏ khoản 5 Điều 59 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về việc sử dụng hóa đơn bán tài sản công. Các hóa đơn bán tài sản nhà nước và hóa đơn bán tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước bằng giấy do Bộ Tài chính đã phát hành khi bán tài sản công được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Thời hạn bắt buộc phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử bán tài sản công là từ ngày 01/01/2025 (Mẫu số 08/TSC-HĐ)

Từ ngày 30/10/2024  nhiều Điều, khoản của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP có sự thay đổi về thẩm quyền, trình tự,…

Các Điều 96, 97, 98 và 99 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025

Nghị định số 114/2024/NĐ-CP bãi bỏ các quy định:

- Khoản 5 Điều 59 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.

- Khoản 5 Điều 12 Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

- Khoản 7a Điều 12 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 123/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ)./.

Lê Thị Son
Cục QLTT Quảng Ngãi