Một số lưu ý khi áp dụng Nghị định 87/2024/NĐ-CP

Trong triển khai thực hiện Nghị định 87, vấn đề rất đáng lưu tâm với lực lượng QLTT là việc áp dụng văn bản xử lý đối với hành vi không niêm yết giá, cũng được quy định tại một số Nghị định quy định xử phạt VPHC trong các lĩnh vực được ban hành trước đây.

Ngày 12 tháng 7 năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 87/2024/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong quản lý giá (Nghị định 87), theo đó, đã “tách” mảng quy định xử phạt VPHC trong quản lý giá thành một Nghị định riêng để đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ theo đặc thù lĩnh vực quản lý nhà nước; đồng thời, đảm bảo tương thích với một số quy định mới tại Luật Giá năm 2023. Trong đó, có một số điểm cần lưu ý khi nghiên cứu, áp dụng đối với lực lượng QLTT:

1. Về thẩm quyền xử phạt của QLTT

Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Đội trưởng có thẩm quyền xử phạt các hành vi VPHC quy định tại Điều 6, khoản 1 Điều 7, Điều 8, Điều 10, Điều 11, Điều 13, Điều 15 Nghị định; theo đó có quy định cụ thể về mức tiền phạt tối đa cũng như thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo chức danh. Các nhóm hành vi QLTT có thẩm quyền gồm: Hành vi vi phạm trong chấp hành các biện pháp bình ổn giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hành vi công khai không đầy đủ, công khai không đúng thời hạn, không công khai thông tin về Quỹ bình ổn giá theo quy định của pháp luật; hành vi vi phạm quy định về báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu về giá theo quy định hoặc văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác quản lý, điều tiết giá; hành vi vi phạm quy định về định giá và bán hàng hóa, dịch vụ không đúng với quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hành vi vi phạm quy định về hiệp thương giá; hành vi vi phạm quy định về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ; hành vi vi phạm khác trong quản lý giá.

Như vậy, Kiểm soát viên thị trường không có thẩm quyền xử phạt các VPHC tại Nghị định này.

2. Về thẩm quyền lập biên bản VPHC

Nghị định 87 quy định 2 nhóm đối tượng là người có thẩm quyền xử phạt và công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Công an nhân dân đang thi hành nhiệm vụ, công vụ.

Với quy định này, ngoài các chức danh của QLTT có thẩm quyền xử phạt, Kiểm soát viên thị trường có thẩm quyền lập biên bản VPHC đối với hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này.

3. Về đối tượng xử phạt

Nghị định 87 bổ sung Điều 2 quy định cụ thể đối tượng xử phạt theo đó xác định rõ nhóm đối tượng bị xử phạt là tổ chức và nhóm đối tượng bị xử phạt là cá nhân.

4. Về xác định mức tiền phạt

Nghị định 87 bỏ quy định hướng dẫn cụ thể về xác định mức tiền phạt trong tình huống vụ việc không có tình tiết tăng nặng/giảm nhẹ hoặc chỉ có 1 tình tiết tăng nặng/giảm nhẹ.

Theo đó quy định theo hướng dẫn chiếu đến các quy định của Luật Xử lý VPHC và văn bản hướng dẫn thi hành.

5. Về vi phạm nhiều lần

Đối với các hành vi vi phạm mà QLTT có thẩm quyền xử phạt, nếu cá nhân, tổ chức VPHC nhiều lần thì áp dụng tình tiết tăng nặng; trừ các hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều 7 thì xử phạt về từng hành vi.

6. Về các biện pháp khắc phục hậu quả

So với Nghị định số 109/2013/NĐ-CP, Nghị định 87 bổ sung nhiều biện pháp khắc phục hậu quả trên cơ sở những thay đổi của Luật Giá năm 2023.

Trong đó đối với hành vi được lực lượng QLTT xử lý khá nhiều là vi phạm quy định về niêm yết giá tại Điều 12, đã bổ sung quy định cụ thể về cách thức thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả:

“Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông báo công khai nội dung biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên lên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 30 ngày, trường hợp không xác định được khách hàng hoặc khách hàng từ chối nhận thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá niêm yết vào ngân sách nhà nước”.

“Cá nhân, tổ chức vi phạm có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) để thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong Quyết định theo quy định của pháp luật và phải chịu mọi chi phí cho việc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đó. Sau thời hạn thực hiện công khai nội dung khắc phục hậu quả lên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định, cá nhân, tổ chức VPHC phải báo cáo kết quả thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đến người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt trong 07 ngày làm việc”.

7. Về thời hiệu, xác định hành vi đã kết thúc, đang thực hiện

Nghị định 87 không quy định chi tiết, cụ thể như trước đây mà dẫn chiếu đến quy định tại Luật Xử lý VPHC và văn bản hướng dẫn thi hành.

8. Về đăng tải thông tin vi phạm

Nghị định 87 bổ sung quy định về đăng tải công khai thông tin trong trường hợp VPHC mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì thông tin về vi phạm phải được công khai.

Người có thẩm quyền đánh giá, quyết định vụ việc phải được đăng tải công khai: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị của người đã ra Quyết định xử phạt.

Nội dung công bố công khai: Bản sao Quyết định xử phạt VPHC.

Thời gian đăng tải: Ít nhất 01 lần, thời gian đăng tải ít nhất là 30 ngày

Hình thức: Đối với QLTT là trên trang thông tin điện tử.

9. Hành vi vi phạm về niêm yết giá

- Sửa đổi từ “địa điểm” thành “hình thức” để đảm bảo tương thích với các quy định tại Luật Giá năm 2023.

Theo quy định hiện hành, các hình thức niêm yết giá gồm:  In, dán, ghi thông tin trên bảng, giấy hoặc in trực tiếp trên bao bì của hàng hóa hoặc các hình thức phù hợp với điều kiện thực tế tại địa điểm bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ hoặc trên các trang thông tin điện tử để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Bổ sung nhóm hành vi “Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không đúng giá cụ thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân quyết định”.

- Quy định cụ thể cách thức thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả (như đã phân tích ở mục 6).

10. Một số vấn đề đặt ra về xử phạt đối với vi phạm trong niêm yết giá

Trong triển khai thực hiện Nghị định 87, vấn đề rất đáng lưu tâm với lực lượng QLTT là việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử lý đối với hành vi không niêm yết giá. Ngoài Nghị định này, còn có một số Nghị định khác (được ban hành trước đây) quy định xử phạt VPHC trong các lĩnh vực như:

- Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực thú y (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 04/2020/NĐ-CP và Nghị định 07/2022/NĐ-CP) quy định “Vi phạm về thủ tục trong buôn bán thuốc thú y” xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi “Không niêm yết giá bán thuốc thú y”.

- Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 124/2021/NĐ-CP) quy định xử phạt về “Vi phạm quy định về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược” áp dụng mức xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi “Không niêm yết giá bán buôn, bán lẻ bằng đồng Việt Nam hoặc niêm yết không đầy đủ, không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng tại nơi giao dịch hoặc nơi bán thuốc của cơ sở kinh doanh dược”….

Các hành vi quy định tại các Nghị định nêu trên đều khá tương đồng, cùng xử lý đối với với hành vi “không niêm yết giá” nên sẽ có nhưng băn khoăn nhất định trong việc xác định văn bản áp dụng trong bối cảnh Nghị định 87/2024/NĐ-CP được ban hành sau cùng và có mức xử phạt thấp nhất.

Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết, trường hợp hành vi được quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ thì vẫn áp dụng quy định tại các Nghị định đó để xử phạt. Quan điểm này dựa trên các phân tích sau:

- Nghị định 87/2024/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm về niêm yết giá hàng hoá, dịch vụ (nói chung).

Các Nghị định trên xử phạt đối với hành vi không niêm yết giá gắn với hàng hoá cụ thể, đối tượng cụ thể (được định danh) là “thuốc thú y”, “cơ sở kinh doanh dược”…

- Nội hàm của “niêm yết giá” rộng hơn “niêm yết giá bán”. Theo quy định tại khoản 15 Điều 4 Luật Giá năm 2023, “niêm yết giá” bao gồm cả “giá mua, giá bán”.

- Mặc dù Nghị định 87 có Điều 1 quy định về  phạm vi điều chỉnh, tuy nhiên, tại Điều 31 Nghị định này về hiệu lực thi hành, chỉ giới hạn “thay thế các quy định về xử lý VPHC trong lĩnh vực giá quy định tại Chương II Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt VPHC trong lĩnh vực giá, phí, lệ phí và hóa đơn; Điều 1 Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP”.

Như vậy, có thể hiểu, quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP có nội dung liên quan về xác định phạm vi điều chỉnh các vi phạm về giá chưa bị thay thế: “Các hành vi VPHC liên quan đến quản lý nhà nước về giá, phí, lệ phí, hóa đơn được quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ thì áp dụng quy định tại các Nghị định đó để xử phạt”.

Vũ Hải
Cục QLTT Hải Dương