Xác định lỗi cố ý trong vi phạm hành chính

Trong quá trình thiết lập hồ sơ của lực lượng QLTT, việc thể hiện các nội dung, ghi nhận thông tin, chứng cứ, chứng minh… làm cơ sở kết luận “lỗi cố ý” thường khá sơ sài, không chặt chẽ, không thống nhất; nặng về nhận thức cá nhân, thiếu cơ sở pháp lý thống nhất.

“Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.”

Theo lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, cấu thành vi phạm pháp luật gồm mặt khách quan, chủ thể, mặt chủ quan và khách thể. Mặt chủ quan của vi phạm pháp luật gồm lỗi, động cơ, mục đích vi phạm pháp luật.

Trong vi phạm hành chính nói chung, các vi phạm hành chính có thẩm quyền xử phạt của QLTT nói riêng, việc xác định động cơ, mục đích không phải là yếu tố đóng vai trò quan trọng. Do đó, định nghĩa hành vi vi phạm chỉ đề cập đến yếu tố lỗi - “hành vi có lỗi”; dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của vi phạm hành chính là dấu hiệu lỗi của chủ thể vi phạm.

Kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu cố ý hay vô ý đều bị xử lý

Lỗi trong vi phạm hành chính

Lỗi là một trạng thái tâm lý thể hiện thái độ tiêu cực của chủ thể đối với hậu quả xấu trong hành vi của mình (nhìn thấy trước được hậu quả xấu trong hành vi của mình mà vẫn thực hiện) và trong chính hành vi đó (hành vi chủ động, có ý thức….) tại thời điểm chủ thể thực hiện hành vi trái pháp luật đó.

Pháp luật xử lý vi phạm hành chính không quy định hoặc khái niệm thế nào là “lỗi” hay “lỗi cố ý”, “lỗi vô ý”. Các Nghị định quy định xử phạt hầu như không đề cập hoặc tách biệt hình thức xử lý theo lỗi của chủ thể mà mặc nhiên thừa nhận mọi hành vi đều có lỗi (cố ý hoặc vô ý) và bị xử lý.

Ví dụ: Hành vi kinh doanh hàng giả dù lỗi cố ý hay vô ý đều bị xử lý. Trường hợp này, pháp luật yêu cầu người kinh doanh có trách nhiệm “phải” tìm hiểu để biết, nếu không tìm hiểu đầy đủ dẫn đến vi phạm do lỗi vô ý (vô ý do cẩu thả).

Tuy nhiên, trên thực tế, đối với một số hành vi chỉ quy định xử phạt hoặc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung khi chứng minh chủ thể thực hiện hành vi với “lỗi cố ý”.

Ví dụ 1: Hành vi cố ý vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng hóa nhập lậu.

Ví dụ 2: Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm (Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN).

Trong quá trình thiết lập hồ sơ vụ việc của lực lượng QLTT, việc thể hiện các nội dung, ghi nhận thông tin, chứng cứ, chứng minh lỗi cố ý… làm cơ sở kết luật “lỗi cố ý” thường khá sơ sài, không chặt chẽ, không thống nhất; mang nặng yếu tố nhận thức cá nhân mà thiếu cơ sở pháp lý thống nhất.

Cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu bị xử lý vi phạm như kinh doanh hàng hóa nhập lậu

Lỗi cố ý trong pháp luật hình sự

“Điều 10. Cố ý phạm tội

Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;

2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”.

Gợi mở xác định lỗi cố ý trong vi phạm hành chính

Mặc dù pháp luật xử lý vi phạm hành chính không quy định nhưng với những nét tương đồng nhất định giữa vi phạm hành chính và vi phạm hình sự (về chủ thể: Cá nhân, tổ chức; về khách thể: Quy định quản lý nhà nước; có lỗi: Cố ý, vô ý), ở một chừng mực nào đó, khi chứng minh lỗi cố ý trong vi phạm hành chính có thể “vay mượn” quy định của pháp luật hình sự.

Do tính chất của vi phạm hành chính so với vi phạm hình sự, có thể cho rằng, quá trình thu thập thông tin, chứng cứ, phân tích, đánh giá, kết luận lỗi trong vi phạm hành chính sẽ không cao, toàn diện và yêu cầu khắt khe như pháp luật hình sự cũng như không phân biệt các loại (hình thức) lỗi cố ý.

Một cách tổng quan, lỗi cố ý được xác định khi chủ thể vi phạm nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả pháp lý của hành vi đó nhưng vẫn có ý thức chủ động, quyết tâm thực hiện một cách có ý thức với mục đích nhất định. Đối với các vi phạm có liên quan đến thẩm quyền của QLTT, thông thường đó là mục đích tìm kiếm lợi nhuận, kiếm lời một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

Trong xử lý vi phạm hành chính, chỉ có một số hành vi nhất định, việc xác định lỗi cố ý được coi là điều kiện để xác định có hay không vi phạm. Đây là những hành vi pháp luật cho rằng, chủ thể thực hiện, trong điều kiện bình thường không có khả năng, điều kiện cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ để “biết”. Do đó, chỉ bị xử lý khi thực hiện một cách cố ý. Việc tiếp cận theo hướng hành vi có lỗi (nói chung) hoặc hành vi có lỗi cố ý bị xử lý phụ thuộc vào quan điểm tiếp cận của nhà làm luật khi đánh giá tính chất, mức độ nguy hại của hành vi khi xâm hại các trật tự quản lý; mặt khách quan của hành vi; sự tham gia, vai trò, khả năng nhận thức, kiểm soát của chủ thể...

Ví dụ: Chủ kho tàng, bến bãi, lái xe trong điều kiện thông thường không không có khả năng, điều kiện cũng như pháp luật không quy định nghĩa vụ, trách nhiệm cho họ phải biết toàn bộ hàng hóa tàng trữ trong kho tàng, bến bãi hay được vận chuyển trên phương tiện có phải là hàng hóa nhập lậu hay không.

Tập huấn, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ

Xác định lỗi cố ý của tổ chức

Khái niệm lỗi được xác định thông qua “trạng thái tâm lý” của chủ thể thực hiện. Nhưng, với tổ chức thì không thể xác định được tâm lý bởi nó không phải một cá nhân cụ thể.

Thực tế hiện nay, trong quá trình xử lý vi phạm hành chính tổ chức về các hành vi cần chứng minh lỗi cố ý, cơ quan chức năng đang “mặc nhiên” xác định thông qua chứng minh lỗi cố ý của người đại diện theo pháp luật của tổ chức dựa trên quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị định 118/2021/NĐ-CP “Hành vi vi phạm hành chính do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức”.

Quan điểm tiếp cận này đã đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ, có căn cứ pháp lý hay chưa vẫn còn là một câu hỏi cần giải đáp. Đặc biệt với các mô hình hoạt động kinh doanh theo chuỗi, đa tầng từ Công ty – Chi nhánh - Địa điểm kinh doanh; trong đó, địa điểm kinh doanh thuộc Chi nhánh mới là nơi xảy ra vi phạm.

Vấn đề đặt ra

Cùng với những yêu cầu đặt ra trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho mọi tổ chức, cá nhân cũng như tạo biên pháp lý đầy đủ, rõ ràng cho các chủ thể có thẩm quyền xử phạt, đặc biệt trong những tình huống là cơ sở để xác định có hay không vi phạm. Cần thiết có quy định cụ thể về xác định lỗi nói chung, lỗi cố ý nói riêng đối với các vi phạm của cá nhân, tổ chức trong quá trình thực thi pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong thời gian tới.

Vũ Hải
Cục QLTT Hải Dương